Học tập - Tra cứu

Truyện Cổ Tích Tấm Cám Bản Gốc ⚡️ Kèm Video Kể Chuyện Hoạt Hình

Truyện cổ tích Tấm Cám đã rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam từ thở còn nằm trong nôi. Truyện phản ánh mong ước tha thiết của nhân dân ta thời xưa: “Ở hiền gặp lành”. Truyện ngợi ca sức sống bất diệt và sự trỗi dậy mạnh mẽ của con người lương thiện trước sự vùi dập của cái ác, đồng thời thể hiện niềm tin của nhân dân vào chính nghĩa.

Sau đây là bản kể của truyện Tấm Cám được xem là gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ.

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Mẹ Tấm chết từ hồi Tấm mới biết đi. Sau đó ít năm, người cha cũng chết, Tấm ở với dì ghẻ là mẹ đẻ ra Cám. Tấm phải làm lụng quần quật suốt ngày, còn Cám được mẹ nuông chiều, chơi dông dài ngày nọ qua ngày kia.

Một hôm mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi người một cái giỏ, bảo ra đồng hớt tép, ai đầy giỏ thì được thưởng một cái yếm đỏ. Tấm ra đồng không quản trời nắng, mải miết hớt được đầy một giỏ vừa tôm vừa tép. Còn Cám nhởn nhơ hết bờ này bụi nọ hái hoa, bắt bướm, trời đã về chiều mà giỏ của Cám vẫn chưa có tí gì. Thấy Tấm đẩy giỏ tép, Cám bảo chị :

“Chị Tấm ơi! Chị Tấm!
Đầu chị lấm,
Chị hụp cho sâu,
Kẻo về dì mắng”.

Tấm tưởng thật, hụp xuống. Cám ở trên bờ trút lấy tôm tép của Tấm vào giỏ mình, rồi mang về trước. Tấm lên dòm vào giỏ, thấy mất cả, mới khóc hu hu, Bụt hiện lên rồi hỏi: “Làm sao con khóc?” Tấm kể hết sự tình cho Bụt nghe rồi lại khóc, Bụt bảo Tấm nhìn xem trong giỏ còn gì không? Thì ra còn lại một con cá bống. Bụt liền bảo Tấm đem cá bống về thả xuống giếng nuôi, và dặn mỗi ngày cho ăn hai lần, mỗi lần một bát cơm. Khi cho bống ăn, phải gọi:

“Bống bống bang bang,
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”.

Tấm nghe lời Bụt dặn, đem bống về nuôi. Cứ đến bữa cơm thì hớt một bát, giấu vào thùng gánh nước, mang ra cho bống. Mỗi lần nghe Tấm gọi, bống lại ngoi lên mặt nước đớp từng hạt cơm mà Tấm ném xuống. Người và cá ngày một quen nhau, bống lớn lên trông thấy.

Tấm Cám

Thấy Tấm thường mang cơm ra giếng, mụ dì ghẻ sinh nghi, bèn sai Cám đi rình. Cám nấp ở bụi cây gần bờ giếng nghe Tấm gọi bống, bèn nhẩm thuộc rồi về kể lại cho mẹ nghe. Tối hôm ấy mụ dì ghẻ lấy giọng ngọt ngào bảo với Tấm:

“Con ơi con!
Mai con đi chăn trâu phải chăn đồng xa,
Chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu”.

Tấm vâng lời dì ghẻ, sáng hôm sau đưa trâu đi ăn thật xa. Ở nhà, mẹ con Cám mang bát cơm ra giếng, cũng gọi y như Tấm. Bống vừa ngoi lên mặt nước, mẹ Cám đã chực sẵn, bắt lấy đem về nhà làm thịt.

Đến chiều Tấm dắt trâu về. Đến bữa, sau khi ăn xong, theo lệ thường, Tấm mang thùng đi gánh nước và đem cơm cho bống. Nhưng bận này, gọi mãi không thấy bống đâu mà chỉ có một cục máu nổi lên. Thấy vậy Tấm ngồi khóc hu hu. Bụt lại hiện lên hỏi: “Làm sao con khóc?”

Tấm thưa lại sự việc xảy ra. Bụt liền bảo: “Người ta đã bắt bống của con ăn thịt mất rồi. Con về nhà nhặt xương nó, mua lấy bốn cái lọ bỏ vào đấy rồi đem chôn xuống bốn chân giường con nằm”.

Tấm trở về theo lời Bụt đi tìm xương bống, nhưng tìm mãi các xó vườn góc sân mà không thấy đâu cả. Một con gà thấy thế, gáy lên:

“Cục ta cục tác,
Cho ta nắm thóc,
Ta bới xương cho”.

Tấm bốc nắm thóc ném cho gà. Gà chạy vào bếp bới một lúc thì thấy xương ngay. Tấm nhặt bỏ vào bốn cái lọ và đem chôn dưới chân giường như lời bụt dặn.

Ít lâu sau nhà vua mở hội trong mấy đêm ngày. Trên các nẻo đường, già trẻ gái trai trong làng đều nô nức dập dìu tuôn về kinh như nước chảy. Hai mẹ con Cám cũng sắm sửa quần áo đẹp để đi trẩy hội.

Thấy Tấm cũng muốn đi, mụ dì ghẻ nguýt dài, sau đó mụ lấy một đấu gạo trộn lẫn với một đấu thóc, bảo Tấm: “Khi nào nhặt riêng gạo và thóc ra hai đấu thì mới được đi xem hội.” Nói đoạn, hai mẹ con Cám xúng xính vận quần áo đẹp lên đường đi trảy hội.

Tấm ở nhà tủi thân lại ngồi khóc. Bụt lại hiện lên hỏi. Nghe tấm kể đầu đuôi câu chuyện xong, Bụt liền bảo: “Thôi con đừng khóc nữa. Con mang cái thúng đặt ra giữa sân, để ta sai chim sẻ xuống nhặt giúp cho.”

Tấm sợ chim ăn mất thóc gạo, sẽ phải đòn. Bụt biết ý, bảo: “Con cứ gọi chúng thế này: Rặt rặt (con chim sẻ) xuống nhặt cho tao, Ăn mất hạt nào thì tao đánh chết’.

Bụt vừa dứt lời, ở trên không có một đàn chim sẻ đáp xuống sân nhặt thóc ra một đằng, gạo ra một nẻo. Chúng nó lăng xăng ríu rít chỉ trong một lát đã làm xong, không suy suyển một hạt.

Nhưng khi chim sẻ bay đi rồi, Tấm lại  ngồi vào xó nhà, nức nở khóc. Bụt lại hỏi: “Làm sao con khóc?” Tấm thưa: “Con không có quần áo đẹp để mặc đi xem hội”. Bụt bảo: “Con đi đào những lọ chôn ở chân giường lên, muốn có quần áo đẹp như thế nào cũng có”.

Tấm vâng lời, đi đào các lọ lên. Đào lọ thứ nhất lấy ra được một cái áo mớ ba, một cái áo xống lụa, một cái yếm lụa điều và một cái khăn nhiễu. Đào lọ thứ hai lấy ra được một đôi hài thêu. Đào lọ thứ ba thì thấy một con ngựa bé tí, nhưng vừa đặt con ngựa xuông đất bỗng chốc nó đã hí vang lên và biến thành ngựa thật. Đào đến lọ cuối cùng thì lấy ra được một bộ yên cương xinh xắn.

Tấm mừng quá vội tắm rửa rồi thắng bộ vào, đoạn cưỡi lên ngựa mà đi. Ngựa phóng một chốc đã đến kinh đô. Nhưng khi phóng qua một cây cầu đá, Tấm đánh rơi một chiếc hài xuống nước, không cách nào mò lên được

Từ đằng xa, Cám trông thấy ai như Tấm ăn mặc đẹp đẽ, vội mách mẹ. Mụ dì ghẻ không tin, nói: “Con Tấm nhà mà mà thắng bộ như thế à? Nó đương ngồi nhặt thóc, còn lâu!”.

Lúc Tấm đi qua bờ hồ, vô ý sẩy chân, đánh rơi một chiếc giày xuống nước. Vừa lúc ấy, voi nhà vua đi qua, bỗng dừng lại kêu rầm rĩ. Vua sai lính lội xuống hồ xem có gì cản trở. Quân lính xuống hồ mò, tìm một lúc, vớt được một chiếc giày đàn bà thêu rất xinh, liền đưa lên trình vua. Vua ra lệnh truyền tin cho tất cả đàn bà, con gái, ai đi xem hội mà ướm giày vừa chân thì vua lấy làm vợ. Các cô thi nhau ướm thủ. Chẳng ai đi vừa cả. Mãi sau đến lượt Tấm, thì giày với chân vừa như in. Vua mừng lắm, sai thị vệ lấy kiệu rước nàng về cung.

Đến ngày giỗ bố, Tấm về nhà làm giỗ. Mụ dì ghẻ lập tâm giết Tấm, bèn sai Tấm trèo lên hái cau để mang cúng bố. Tấm trèo lên gần tới ngọn, mụ ở dưới đẵn gốc cây. Thấy động, Tấm vội hỏi: “Dì làm gì ở dưới ấy thế?” Mụ liền nói dối: “Dì đuổi kiến cho con đấy” và cứ tiếp tục chặt. Nhưng Tấm chưa kịp xé cau thì cây cau đã đổ. Tấm ngã lộn cổ xuống ao chết. Mụ dì ghẻ vội vàng lột áo quần của Tấm cho con mình mặc vào cung nói dối với vua rằng Tấm không may bị rơi xuống ao chết đuối, nay đưa em vào để thế chị. Vua nghe nói trong bụng không vui, nhưng không biết phải làm thế nào cả.

Lại nói chuyện Tấm chết hóa thành chim Vàng anh, chim bay một mạch về kinh đến vườn ngự. Thấy Cám đang giặt áo cho vua ở giếng, Vàng anh dừng lại trên cành cây, bảo nó:

“Giặt áo chồng tao
Thì giặt cho sạch,
Giặt mà không sạch
Tao vạch mặt ra”.

Đến lúc Cám đem phơi, chim vàng anh lại hót:

“Phơi áo chồng tao
Thì phơi bằng sào,
Chớ phơi bờ rào,
Tao cào mặt ra”.

Rồi chim Vàng anh bay thẳng vào cung đậu ở cửa sổ, hót lên rất vui tai. Vua đi đâu, chim bay đến đó. Vua đang nhớ Tấm không nguôi, thấy chim quyến luyến theo mình, vua bảo:

“Vàng ảnh, vàng anh,
Có phải vợ anh,
Chui vào tay áo!”

Chim vàng anh bay lại đậu vào tay vua rồi rúc vào tay áo. Vua yêu quý vàng anh quên cả ăn ngủ. Vua sai làm một cái lồng bằng vàng cho chim ở. Từ đó, ngày đêm vua chỉ mải mê với chim, không tưởng đến Cám.

Cám vội về mách mẹ. Mẹ nó bảo cứ bắt chim làm thịt ăn rồi kiếm điều nói dối vua. Trở lại cung vua, nhân lúc vua đi vắng, Cám bắt chim làm thịt nấu ăn rồi vứt lông chim ở ngoài vườn.

Lông chim vàng anh chôn ở vườn hoá ra hai cây xoan đào. Khi vua đi chơi vườn ngự, cành lá của chúng sà xuống che kín thành bóng, như hai cái lọng. Vua thấy cây đẹp rợp bóng, sai lính hầu mắc vọng vào hai cây rồi nằm chơi hóng mát. Khi vua đi khỏi thì cành cây lại vươn thẳng trở lại. Từ đó, không ngày nào Vua không ra nằm hóng mát ở hai cây xoan đào.

Cám biết chuyện ấy lại về nhà mách mẹ. Mẹ nó bảo, cứ sai thợ chặt cây làm khung cửi rồi kiếm điều nói dối vua. Về đến cung, nhân một hôm gió bão, Cám sai thợ chặt cây xoan đào lấy gỗ đóng khung cửi. Thấy cây bị chặt, vua hỏi thì Cám đáp:

“Cây bị đổ vì bão, thiếp sai thợ chặt làm khung cửi để dệt áo cho bệ hạ.”

Nhưng khi khung cửi đóng xong. Cám ngồi vào dệt lúc nào cũng nghe thấy tiếng khung cửi rủa mình :

“Kẽo cà kẽo kẹt,
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra”.

Thấy vậy Cám sợ hãi, vội về nhà mách mẹ. Mẹ nó bảo đốt quách khung cửi, rồi đem tro đi đổ cho rõ xa để được yên tâm. Về đến cung, Cám làm như lời mẹ nói. Nó đem tro đã đốt đi đổ ở lề đường cách xa hoàng cung.

Đống tro bên đường lại mọc lên một cây thị cao lớn, cành lá xum xuê. Đến mùa có quả, cây thị chỉ đậu được có một quả, nhưng mùi thơm ngát tỏa ra khắp nơi. Một bà lão hàng nước gần đó có một hôm đi qua dưới gốc, ngửi thấy mùi thơm, ngẩng đầu nhìn lên thấy quả thị trên cành cao, bèn giơ bị ra nói lẩm bẩm:

“Thị ơi thị à,
Rụng vào bị bà,
Bà để bà ngửi,
Chứ bà không ăn.”

Bà lão nói vừa dứt lời, thì quả thị rụng ngay xuống đúng vào bị. Bà lão nâng niu đem về nhà cất trong buồng, thỉng thoảng lại vào ngắm nghía và ngửi mùi thơm.

Ngày nào bà lão cũng đi chợ vắng. Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay, nhưng chỉ trong chớp mắt đã biến thành Tấm. Tấm vừa bước ra đã cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rồi đi vo gạo thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh giúp bà hàng nước. Đoạn Tấm lại thu hình bé nhỏ như cũ rồi chui vào quả thị. Lần nào đi chợ về, bà lão cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm ngon, canh ngọt sẵn sàng, thì lấy làm lạ.

Một hôm bà hàng nước giả vờ đi chợ, đến nửa đường lại lén trở về, rình ở bụi cây sau nhà. Trong khi đó, Tấm từ quả thị chui ra rồi cũng làm việc như mọi lần. Bà lão rón rén lại nhìn vào khe cửa. Khi thấy cô gái xinh đẹp thì bà mừng quá, bất thình lình xô cửa vào ôm choàng lấy Tấm, đoạn xé vụn vỏ thị.

Từ đó Tấm ở với bà hàng nước, hai người thương nhau như hai mẹ con. Hàng ngày Tấm giúp bà lão các việc thổi cơm, nấu nước, gói bánh, têm trầu để cho bà bán hàng.

Một hôm vua đi chơi ra khỏi hoàng cung, Thấy có quán nước bên đường sạch sẽ, bèn ghé vào. Bà lão mang trầu nước dâng lên vua. Thấy trầu têm cánh phượng, vua sực nhớ tới trầu vợ mình têm ngày trước cũng y như vậy, liền hỏi: “Trầu này ai têm?”

“Trầu này con gái lão têm” bà lão đáp.

“Con gái của bà đâu, gọi ra đây cho ta xem mặt.”

Bà lão gọi Tấm ra. Tấm vừa xuất hiện, vua nhận ra ngay vợ mình ngày trước, có phần trẻ đẹp hơn xưa. Vua mừng quá, bảo bà lão hàng nước kể lại sự tình, rồi truyền cho quân hầu đưa kiệu rước Tấm về cung.

Cám Thấy Tấm trở về vừa trẻ đẹp hơn lại vừa được vua yêu thương như xưa thi sinh lòng ghen ghét, ao ước cũng được trắng trẻo như Tấm. Nó giả vờ không biết chuyện gì, hỏi Tấm :

“Chị Tấm ơi, chị Tấm!
Chị dầm sương dãi nắng,
Đi vắng khá lâu,
Sao giờ chị trắng?”

Tấm đáp: “Có muốn trắng, để chị bày cách cho.”

Cám hí hửng bằng lòng ngay. Theo lời chỉ bảo của Tấm, Cám sai đào một hố thật sâu và xuống ngồi ở dưới, rồi gọi người đem nước sôi giội xuống hố. Cám chết còng queo.

Nghe tin Cám chết, mụ dì ghẻ uất lên, ngã vật xuống đất chết theo con.

Ý nghĩa câu chuyện:

  • Truyện “Tấm Cám” phản ánh những mâu thuẫn, xung đột trong phụ quyền thời xưa (giữa dì ghẻ và con của chồng).
  • Câu chuyện còn thể hiện ý nghĩa xã hội cao, là mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác. Tấm là đại diện cho thiện, mẹ con Cám là hình ảnh của cái ác. Tác giả dân gian đã giải quyết mâu thuẫn theo hướng thiện luôn luôn thắng ác.
  • Việc Tấm trả thù được dân gian đánh giá là hành động cái thiện trừng trị cái ác. Hai mẹ con nhà Cám quá độc ác và tàn nhẫn, giết hại Tấm hết lần này đến lần khác nên xứng đáng với sự trừng phạt này. Đúng với quan niệm “ở hiền gặp lành”, “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”.

Hẳn sẽ có rất nhiều người có những quan điểm khác nhau về cái kết đầy tranh cái của câu chuyện. Hiện nay, rất dễ để có thể đọc được những phiên bản khác của Tấm Cám, vì để có thể phù hợp với nhiều lứa tuổi đọc truyện nên kết truyện sẽ có ít nhiều biến đổi khác đi so với bản gốc. Vậy còn bạn? Bạn nghĩ sao về kết truyện Tấm Cám này?

Related Articles

Back to top button